Những mảnh đời trôi dạt - Tập 1 - Mang chổi đót về cho MẸ

Những mảnh đời trôi dạt - Tập 1 - Mang chổi đót về cho MẸ



Những ngày đầu xuân. Yên bình và êm ả.

Tôi thích tót vào những con hẻm nhỏ. Ngồi nhâm nhi ly cà phê cóc rồi tán phét với các bô lão trong xóm.

Cà phê hẻm rất đặc biệt. Không xô bồ, không khói bụi ồn ào như ngoài đường lớn. Ở đây thoáng đãng, thư thái đến lạ.

Điều thứ hai tôi thích ở cà phê hẻm, đó là trẻ con.

Cứ tầm 8h sáng, bọn nhãi con lũ lượt thức giấc, rồi hò nhau đánh trận ngay trong hẻm. Tiếp đó là những màn chiến đấu, hò hét nảy lửa. Thằng cưỡi ngựa sắt 3 bánh, thằng xỏ đôi giày tây mới coóng của ông già, thằng cầm bình nước thánh hình núm dú chạy lăng xăng. Có thằng thậm chí chẳng thèm mặc gì, xung phong nhìn dáo dác một chốc rồi chọn vị trí ẩn thân chi thuật ngay sau lưng tôi.

Tôi cực thích nhìn cảnh bọn nhóc chơi đùa. Vô tư, hồn nhiên, tự do và thật… nhẹ nhõm.

Có tiền phương thì phải có hậu cần. Bên cạnh đám mãnh tướng nhái bén đang quần nhau túi bụi. Đội quân mẹ bỉm vật vã vác tô, vác khăn chạy theo mà đút cho bọn nó từng miếng quân lương, mệt muốn xịt khói.

- Tí ơi, ăn miếng rồi chơi nào!
- Tủn ơi, ăn nhanh không chú ăn hết bây giờ!
- …

Lúc nào cũng thế, đội hậu cần luôn khởi động bằng những tiếng năn nỉ ỉ ôi, nhẹ nhàn, đầy tinh tế. Nhưng chỉ tầm 30 phút sau, đội này bắt đầu có xu hướng nổi loạn.

- Thằng kia có ăn nhanh không thì bảo!
- Dkm, cút ngay về cho bà!
- ^*%@((&...

Tiếp theo là sự chống chế yếu ớt của đội nhái bén.

- Ứ ư ư con no rồiiiii
- Ư ư ư không ăn đâuuuuu
- Ư ư ư…

Cuối cùng là cơn bùng nổ chốt hạ của đội hậu cần.

- Ứ cái %&$^%%&^. Bước về.
- Một tiếng, hai tiếng,…

Thông thường sẽ không có tiếng thứ ba. Các vị tướng nhái bén sợ quá tót đít chạy về nhà ngay. Không thì chết đòn.

Đôi khi vẫn có những vị anh dũng, lì lợm hơn. Và hậu quả khi tiếng thứ Ba vang lên là một cú vụt thật lực vào mông. Sau đó là tiếng ré lên đau thấu tim gan rồi nằm giãy đành đạch. Cuộc chiến kết thúc.
Đây là cảnh tôi thích nhất. Tuổi thơ tôi nhớ mãi những trận đòn roi của mẹ.

Ngày đó tôi nghịch lắm. Mẹ tôi thi thoảng vẫn thưởng cho tôi những cú vụt như thế, rắn rỏi và đầy chất thép. Nó hằn lên những chữ "i" đều tăm tắp trên hai bờ mông bé nhỏ. Đôi khi nó mạnh mẽ hơn, "i" chuyển mình thành "I". Biên độ dao động tùy theo độ nghịch phá của tôi.

Tôi vẫn nhớ như in binh khí của mẹ lúc đó. Quả chổi đót huyền thoại.

Ngày xưa xóm tôi nghèo lắm. Làm gì có chổi đót như bây giờ. Toàn dùng chổi bện bằng lá khô, quét sân kêu xoạch xoạch như máy cày. Mà loại này không thể dằn mặt bọn tôi được. Thành ra các bà mẹ hồi đó hay dùng que tre vót mỏng để xử lý đội quân nhái bén.

Thời gian trôi qua, mông đít của bọn tôi ngày càng dày. Mấy que xoàng xĩnh đó dăm bữa nửa tháng là gãy thôi. Mỗi lần như thế, tôi lại rú lên cười như được mùa.

Buổi sáng định mệnh đó, cũng vào những ngày giáp Tết. Mẹ đèo tôi ra thị mua đồ. Tiếng rao hàng í ới khiến cả góc phố nhộn nhịp hẳn lên.

Mẹ đảo qua hàng tôm, hàng cá, rồi bất chợt dừng ở hàng… chổi. Tấm biển hiệu Chổi Đót bà Lơn to oạch đập vào mặt tôi.

- Chổi đi em, chổi chị bền đẹp, cam kết vụt không gãy.

Bà Lơn Béo chạy tới, đon đã chào hàng. Thân người lúc nhúc mỡ cứ rung lên bần bật theo tiếng cười the thé của bà. Tôi nhìn mà phát khiếp.

Nói rồi, Bà Lơn dúi một cây chổi xinh xắn vào tay mẹ tôi. Ánh mắt liếc ngang liếc dọc nhìn quanh như thể con dã thú sợ bị cướp mất mồi ngon.

Mẹ cầm chổi trên tay ngắm nghía hồi lâu. Sau đó nhìn tôi. Cụ thể là hai bắp chân vằn vện vết roi mới chớm sau trận bóng hôm qua. Đó là hậu quả của pha dứt điểm trúng vào mặt lão Đối hàng xóm.

- Chắc chắn không gãy chứ? Mẹ hỏi bà Lơn. Nhưng mắt cứ nhìn tôi mà cười tủm tỉm.
- Gãy thế nào được. Lý Đức vụt cũng không gãy.

Bà Lơn đấm ngực quả quyết. Tôi cũng có suy nghĩ giống bà. Chổi là để quét nhà. Mà quét nhà thì gãy thế quái nào đươc. Lúc đấy, tôi chợt thấy người lớn thật khó hiểu.

- Bán cho 2 cây.

Mẹ tôi chốt gọn ngay tắp lự.

Từ đó, nhà cửa bắt đầu thoáng mát sạch sẽ. Chổi xịn có khác. Quét phát nào ra rác phát đó. Cán chổi dài, bện cực kì chắc chắn. Cầm rất đã tay. Đầu chổi thì khỏi phải nói. Các sợi bông đót quện vào nhau, rẻ theo hình quạt. Quét êm như ru.

Từ đó, mẹ năng quét nhà hơn hẳn. Miệng lúc nào cũng cười khúc khích. Chắc mẹ cũng khoái lắm. Bảo sao, tôi cũng thích cơ mà.

Rồi cũng từ đó, bờ mông tôi không còn xuất hiện những vằn chữ “I” đơn lẻ kia nữa. Thay vào đó là những lằn chổi to cốt xì nái. Thoạt nhìn khá giống vết tích của một con trăn Anaconda đang lượn những đường cong mềm mại.

Nhà sạch thì mát, bát sạch tốn xà bông. Mày mà chạy lông nhông là bà cho nát đít. Mẹ tôi hay dọa thế. Mà cũng chẳng phải dọa. Mẹ tôi làm thật. Quyết đoán và rất chắc tay. Mỗi lần tôi đi nghịch ngợm về là y như rằng.




Chổi đót vụt không đau bằng que tre. Không chỉ tôi mà nguyên một đám trẻ con trong xóm, đưa nào đứa nấy mông đít dày như da trâu. Vụt như thế chả ăn thua.

Nhưng mà công nhận chổi này bền. Tôi chờ mãi, ăn vụt mãi,… chẳng thấy nó hư hỏng tí ti. Chẳng biết bà Lơn Béo làm thế nào mà cây chổi đót nó bền như thế. Nhiều năm trôi qua mà nom vẫn y như mới.

Ngày đó mẹ tôi mua hẳn 2 cây. Chắc để sơ cua dùng dần. Nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có cơ hội động tay vào cây còn lại. Bởi nó quá bền.

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm chổi đót vẫn còn trơ trơ

Mãi cho đến khi tôi vào cấp 3. Mẹ mới không vụt tôi nữa. Cây chổi đót vẫn còn mới cứng. Nhưng có lẽ mẹ mệt rồi. Cũng có thể tôi đã biết suy nghĩ, ít nghịch ngợm hơn.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy nhiều nhà còn dùng chổi đót bà Lơn. Mặc dù các loại máy hút bụi, máy lau nhà đầy nhan nhãn như ếch ngoài đồng. Nhưng chổi đót vẫn là một vật dụng không thể thiếu. Bởi nó không chỉ là cây chổi, mà còn là cả một kỷ niệm thơ ấu.

Tôi nhấp vội chút cà phê còn sót lại. Một tay thò ra sau tóm vị tướng nhái bén cuối cùng đang khỏa thân nấp sau lưng.

- Hàng đây chị Oanh ơi.
- À, cám ơn chú. Chết mày với bà.

Chị Ba hùng hổ chạy đến, một bộ đằng đằng sát khí. Thằng Trí hốt hoảng, lò dò đi ra. Miệng méo xệch, anh mắt rưng rưng nhìn tôi.

Nếu nó lớn hơn chút nữa, khả năng sẽ phọt một quả "Dm chú" nhẹ nhàng vào mặt tôi ấy chứ. Nhưng điều đó sau này hãy nói.

Tôi hòa mình vào dòng người tấp nập. Nhớ chổi đót. Nhớ mẹ nữa.
Bài trước
Bài tiếp

0 Comments: